Tỷ phú Lý Gia Thành: Tiền bạc có thể nhìn thấu được bản chất một người – Vay tiền thấy lòng người, trả tiền rõ nhân phẩm

Posted on Cẩm nang Doanh nhân 19 Views

Tỷ phú Lý Gia Thành cho rằng: “Một trong những điều khó nhất trên đời là vay mượn của người khác. Người cho bạn vay tiền chính là vị cứu tinh của bạn”.

Bạn có tin rằng, chính những lúc vay – mượn tiền giúp bạn nhìn thấu người xung quanh mình? Tiền bạc giúp nhìn thấu được bản chất của lòng người. Rất nhiều mối quan hệ đi tới bế tắc, không phải vì thời gian hay khoảng cách, mà là vì thực tế và tiền bạc.

Tiền bạc tuy không thể mua được hạnh phúc, nhưng nó là thứ quan trọng trong cuộc sống. Con người ta không thể duy trì sự sống nếu không có tiền để mua những thứ tối thiểu như đồ ăn, thức uống… Ai chẳng thích tiền, nhưng mưu cầu tiền bạc của mỗi người không giống nhau.

Tiền có thể giúp nhìn thấu lòng người, thử thách nhân tính, thử nghiệm tình bạn. Phản ứng của con người khi đối mặt với tiền bạc là chân thực nhất, thái độ với tiền khó mà giấu giếm được.

Người ta thường nói, trong mối quan hệ giữa con người với nhau, tiền bạc như con dao hai lưỡi. Dù một mối quan hề có sâu sắc bền chặt đến đâu nhưng nếu gặp xích mích về tiền bạc rồi cũng trở nên xa cách.

Trong tình cảm, tiền bạc không chỉ là tiền mà còn ẩn chứa lòng tin và tình người. Hãy trân trọng người sòng phẳng, rõ ràng và dám nói chuyện tiền bạc với bạn, vì họ chính là người coi bạn quan trọng hơn tiền bạc.

Tiền chính là chuẩn mực để phán xét tình nghĩa. Muốn thấy nhân phẩm của một người, hãy xem xét thái độ của họ khi vay tiền và trả tiền. Từ đó, bạn có thể thấy người này đáng tin tưởng để bạn kết giao hay không.

Nhìn thấu lòng người khi vay tiền

Một câu chuyện được chia sẻ như sau: “Tôi có người bạn khá thân thiết, tính cách của người này hòa đồng, nhiệt tình với bạn bè, nhưng một tật xấu duy nhất chính là vay tiền không trả. Mỗi lần tôi nhắc đòi tiền, người bạn này đều tìm đủ mọi lý do để trì hoãn, chẳng hạn như mới đầu tư tiền bạc kinh doanh, nào là điện thoại hỏng, hay bố vừa đi viện cần tiền chi tiêu…

Có thời điểm tôi nhắn tin nhắc tiền mấy ngày người bạn này không trả lời tin nhắn. Sau đó còn ngụy biện mình bị bệnh phải nằm viện điều trị.

Số tiền cho vay tuy không lớn nhưng khiến tôi khá mệt mỏi khi nhắc đòi. Chơi cùng nhau khá hợp, vui vẻ, nếu chỉ vì mấy trăm bạc cho vay mà thành nghỉ chơi thì có đáng hay không?”.

Có lẽ rất nhiều người trong số chúng ta đều ít nhất một lần gặp phải tình cảnh bạn bè vay tiền nhưng rồi không trả khiến chúng ta khó quyết đoán trong mối quan hệ xem nên tiếp tục chơi cùng hay là dừng chơi.

Thế nhưng, bạn cứ thử nghĩ mà xem, nếu chỉ vài trăm bạc mà người bạn kia không trả thì điều gì có thể khiến bạn tiếp tục tin tưởng và duy trì mối quan hệ này? Có thể, lần này bạn chỉ cho vay vài trăm bạc nhưng nếu những lần sau đó, số tiền có thể nhiều hơn thế và họ cũng không trả thì sao? Còn người bạn vay tiền không trả kia, liệu họ có nhận ra bản thân đã sai lầm hay không?

Một câu chuyện khác rất ý nghĩa mà tôi vô tình đọc được. Một chàng trai kinh doanh thành đạt, trở thành một ông chủ lớn, bên dưới có nhiều nhân viên. Bạn bè, người thân liên tục tìm tới anh để vay tiền. Vốn tính tình hào phóng, có là cho vay, suốt những năm qua, anh cho vay cả trăm triệu, nhưng chưa nhận lại được một đồng nào.

Khi việc kinh doanh trở nên khó khăn, cần tiền để trả lương cho nhân viên, anh đành phải đi đòi lại tiền. Thế nhưng, điều anh không ngờ đến đó là không những không đòi lại được tiền mà còn rước thêm bực mình vào thân. Bởi những người vay tiền của anh trách móc anh là con người chi ly, tính toán.

Khi con người ta cho vay tiền, thứ cho vay là tiền nhưng thứ nhìn thấy được lại chính là lòng người. Với những người vay tiền mà không trả, họ coi lòng tốt của bạn là đương nhiên, là điều nên làm.

Dù bạn có cho họ vay nhiều như nào, họ cũng chẳng hề biết trân trọng. Khi bạn cần tiền bạn đòi họ, hoặc khi cần họ giúp đỡ, cũng chưa chắc bạn sẽ nhận được hồi đáp. Một sự thật tuy trần trụi nhưng khiến con người ta phải thức tỉnh và dùng lòng tốt vào đúng chỗ, đúng người.

Ai cũng phải vất vả kiếm tiền chứ không dễ dàng mà hưởng thụ, những người vay tiền không trả chỉ là những người mưu lợi cho bản thân. Với kiểu người này, bạn nên tránh xa càng sớm càng tốt kẻo rước hại vào người.

Nhìn thấu nhân phẩm khi trả tiền

Hành động trả tiền đã vay tưởng chừng chỉ là nghĩa vụ nhưng lại giúp có thể nhìn thấu nhân phẩm của một người.

Người nhân phẩm tốt sẽ trả nợ đúng hạn; người nhân phẩm không tốt sẽ luôn tìm cách trì hoãn, dây dưa không trả.

Có câu chuyện như sau: Một thanh niên trẻ, bố của anh lái xe đâm trúng người khác nên phải đền bù cho người bị đâm số tiền 80 triệu. Với một gia đình bình thường thì đây quả là số tiền không hề nhỏ. Vì vậy, anh chạy đi vay mượn khắp nơi, có một người bạn tốt khi biết sự tình đã cho anh vay 30 triệu.

Sau đó, người cha mất đi sức lao động, gánh nặng kinh tế đè hết lên vai anh con trai. Vài tháng sau, anh nghe nói người bạn cho mình vay tiền bị bệnh nặng, cần tiền chữa trị gấp.

Còn người thanh niên làm việc cật lực để trả nợ, bản thân cũng không dư dả bao nhiêu. Anh về nhà thương lượng với bố mẹ, thế chấp căn nhà để trả người bạn kia tiền, rồi cho người bạn ấy vay thêm một chút phòng trường hợp cấp bách.

Người bạn sau khi tỉnh lại: “Khi đó là vì tin vào nhân phẩm của cậu ấy nên mới dám cho cậu ấy vay. Dẫu sao thì khi ấy cũng chẳng ai biết tôi có thể tỉnh lại hay không, nếu cậu ấy không xuất hiện, cũng chẳng có ai biết tôi từng cho cậu ấy vay tiền”.

Sau này khi người bạn hồi phục, lập tức trả cho người bạn số tiền mà anh cho mình vay. Cả hai người họ đều hiểu rằng, không có thứ tình cảm nào là lẽ đương nhiên cả, tình nghĩa thực sự là khoảnh khắc bạn đứng ra khi người khác cần tới bạn.

Trong xã hội ngày nay, người có thể tin tưởng và cho bạn vay tiền, chính là quý nhân của cuộc đời bạn.

Có khi, bạn cho người khác vay tiền, ban đầu người ta sẽ thấy biết ơn, nhưng lâu dần, có một vài người sẽ quên và trở nên tê liệt, xem tiền đi vay là tiền của mình, muốn chiếm làm của riêng.

Điều này không chỉ khiến mất đi sự tín nhiệm của người khác mà còn làm suy giảm nhân phẩm của chính mình.

Người ta thường nói, vay tiền sẽ làm tổn thương tới tình cảm, nhưng lúc người ta trả tiền còn làm tổn thương tình cảm hơn. Rất nhiều mối quan hệ đã bị dừng lại sau khi cho ai đó vay tiền và chờ đợi họ chủ động trả lại cho mình.

Vì vậy, luôn biết ơn người đã cho mình vay lúc khó khăn, đồng thời chủ động trả tiền đúng thời hạn, người như vậy, nhân phẩm chắc chắn không tồi.

Tỷ phú Lý Gia Thành: Người cho bạn vay tiền mà không cần ký giấy tờ là người cao quý, cần trân trọng

Lý Gia Thành là tỷ phú không còn quá xa lạ với chúng ta. Ông là người giàu nhất Hong Kong trong suốt hơn 2 thập kỷ và liên tục có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Thời điểm hiện tại, ông sở hữu khối tài sản trị giá 35 tỷ USD.

Lý Gia Thành sinh ra ở Quảng Đông năm 1928. Đến năm 1940, ông và gia đình phải sang Hong Kong do một cuộc nội chiến tại Trung Quốc. Sau khi cha qua đời vì bệnh lao, ông nghỉ học năm 16 tuổi và làm việc trong một nhà máy sản xuất nhựa để phụ giúp gia đình.

Ông làm việc tới 16 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần và 90% số tiền kiếm được ông đều gửi cho mẹ. Nhờ chăm chỉ và cố gắng không biết mệt mỏi, ông đã trở thành nhân viên bán hàng xuất sắc nhất và được thăng chức làm quản lý nhà máy khi mới 18 tuổi. Năm 22 tuổi, ông bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên. Đến nay, công ty của ông đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ở Hong Kong.

Là doanh nhân kỳ cựu, ông đã nhiều lần chia sẻ về triết lý kinh doanh cũng như quan điểm cá nhân về cách đánh giá con người.

Ông từng nói: “Bạn có thể đánh giá phần nào phẩm chất của một người từ việc vay tiền. Một trong những điều khó nhất trên đời là vay mượn của người khác. Người cho bạn vay tiền chính là vị cứu tinh của bạn và những người làm như vậy mà không cần ký bất cứ giấy tờ nào là người đáng tin cậy nhất. Trong xã hội ngày nay, không phải ai cũng sẵn sàng cho mượn tiền mà không kèm theo điều kiện. Nếu gặp người như vậy, bạn phải hết mức trân trọng và biết ơn họ”.

Theo tỷ phú giàu nhất Hong Kong, người cho chúng ta mượn tiền khi ta gặp khó khăn không phải vì họ dư dả mà vì họ thực sự muốn giúp đỡ. Điều họ cho chúng ta mượn không chỉ là vật chất mà còn là sự tin tưởng.

Tỷ phú Lý Gia Thành hi vọng mọi người luôn giữ chữ tín, đặc biệt là khi vay nợ của người khác. Đánh mất niềm tin có thể dẫn đến sự phá sản lớn nhất trong cuộc đời.

Ngoài ra, ông bày tỏ quan điểm khi đánh giá đối tác: “Khi cùng nhau kinh doanh, nếu đối tác sẵn sàng nhường hầu hết lợi ích cho bạn thì đó không phải vì họ ngu ngốc mà vì họ biết cách chia sẻ. Nếu họ chủ động làm nhiều việc hơn, điều đó có nghĩa là họ biết cách chịu trách nhiệm.

Nếu họ là người xin lỗi trước sau khi xảy ra mâu thuẫn, nhiều khi không phải vì họ sai mà vì họ tôn trọng đối phương. Nếu họ sẵn sàng giúp đỡ bạn thì đó không phải vì họ nợ bạn mà vì coi bạn là một người đồng hành quan trọng. Họ có thể chọn việc có giúp đỡ bạn hay không và đây không phải nghĩa vụ của họ trừ khi họ muốn như vậy.

Có bao nhiêu người đã bỏ qua sự thật đơn giản này và bao nhiêu người coi đó là điều hiển nhiên? Một số người hành động như thể họ rất thông minh và tìm mọi cách để đạt được mục tiêu của mình nhưng sớm hay muộn chiêu trò của họ cũng sẽ bị phát hiện ra. Người chân thành sẽ bước vào trái tim bạn còn người đạo đức giả sẽ bị loại ra khỏi tầm mắt của bạn. Gặp gỡ nhau là định mệnh nhưng để hòa hợp được với nhau, điều đó đòi hỏi sự chân thành và đáng tin cậy”.

Một lần khác, Lý Gia Thành chia sẻ: “Vấn đề không phải bạn nhiều tiền hay quyền lực đến đâu, nếu không khiêm tốn hay có một trái tim nhân hậu, bạn vẫn chưa phải người thành công thực sự”.

Trên thực tế, bản thân ông chính là tấm gương sáng cho câu nói này. Tuy từng có thời điểm là người giàu nhất châu Á và sở hữu khối tài sản hàng chục tỷ USD nhưng ông có lối sống rất giản dị.

Bên cạnh đó, Lý Gia thành còn là một tỷ phú nhân hậu. Từng trải qua nghèo khó và phải nghỉ học giữa chừng, ông rất hiểu được tình cảnh khó khăn đó và coi trọng việc giúp đỡ người khác thông qua hỗ trợ giáo dục. Ước tính, đến nay ông đã trao tặng hàng tỷ USD cho các tổ chức từ thiện. Ông cũng cam kết dành 1/3 tài sản của mình để hỗ trợ công tác từ thiện trên toàn thế giới.

Ông chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục làm từ thiện bởi đây không phải nghĩa vụ mà là phương châm cuộc sống của tôi”.

 

Theo Sống đẹp/ Nhịp sống kinh tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *